Tập đoàn VNPT: đồng hành xây dựng Chính phủ số
Trục liên thông văn bản quốc gia đã được Văn phòng Chính phủ khai trương ngày 12-3 vừa qua. Hệ thống này do Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) đầu tư xây dựng, giúp đẩy mạnh quá trình hình thành một Chính phủ không giấy tờ, nâng cao hiệu suất công việc và tiết kiệm chi phí cho xã hội. Với việc được lựa chọn là nhà cung cấp, một lần nữa Tập đoàn VNPT muốn khẳng định cam kết sẵn sàng đồng hành với quá trình chuyển đổi số của Chính phủ và các doanh nghiệp...
VNPT triển khai nhiều dự án CNTT quan trọng.
Bảo đảm kết nối liên thông
Chia sẻ về quá trình xây dựng Trục liên thông văn bản quốc gia, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT cho biết, VNPT đã tổ chức đội ngũ với hơn 100 kỹ sư công nghệ thông tin; thực hiện tham khảo, học hỏi từ đối tác nước ngoài; tổ chức đội ngũ công nghệ thông tin tại các tỉnh, thành phố để hỗ trợ trực tiếp cho 95 bộ, ngành, địa phương thử nghiệm kết nối liên thông. VNPT cũng đã thiết lập và duy trì nhiều cấp hỗ trợ tại từng bộ, ngành, địa phương để bảo đảm giải quyết các vướng mắc nhanh chóng và hiệu quả. “Chúng tôi cảm ơn Văn phòng Chính phủ đã tạo điều kiện cho VNPT tham gia các đoàn học tập kinh nghiệm, nghiên cứu, tham khảo mô hình kiến trúc, nền tảng công nghệ trong việc xây dựng chính phủ điện tử tại Hàn Quốc, Pháp, Malaysia, Nga… Đồng thời, cảm ơn các doanh nghiệp phần mềm cung cấp giải pháp cho 95 bộ, ngành, địa phương đã hợp tác cùng VNPT tích hợp hơn 20 loại phần mềm điều hành văn bản khác nhau thành một hệ thống thống nhất, hình thành hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia” - ông Trần Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Theo ông Huỳnh Quang Liêm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT, trong quá trình triển khai Trục liên thông văn bản quốc gia, việc bảo đảm an toàn thông tin cho hệ thống được yêu cầu thực hiện nghiêm ngặt. Do đó, Tập đoàn VNPT đã rất chú trọng công tác bảo mật trong triển khai hạ tầng mạng lưới, lựa chọn công nghệ sử dụng và quá trình xây dựng phần mềm. Ngoài ra, với kinh nghiệm triển khai nhiều ứng dụng công nghệ, chỉ sau 5 tháng (từ tháng 10-2018), VNPT đã tiến hành nhiều đợt thử nghiệm. Cụ thể, từ ngày 19-1-2019, hệ thống đã được đưa vào thử nghiệm tại 95 đơn vị. Sau hơn 1 tháng hoạt động đã có hơn 10.000 văn bản được liên thông giữa Văn phòng Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương và giữa các bộ, ngành, địa phương với nhau. Hệ thống đã được Bộ Công an và Cục An toàn thông tin (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) đánh giá về việc bảo đảm an ninh và an toàn thông tin, đã sẵn sàng đi vào hoạt động chính thức. Theo Văn phòng Chính phủ, việc ứng dụng Trục liên thông văn bản điện tử quốc gia đã tiết kiệm được hơn 1.200 tỷ đồng mỗi năm (tiền giấy, mực, sao lưu, gửi bưu chính…) sau khi trừ chi phí thuê dịch vụ của VNPT.
Mục tiêu trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu Việt Nam
Cũng theo ông Trần Mạnh Hùng, việc đầu tư xây dựng Trục liên thông văn bản quốc gia còn khẳng định VNPT cam kết đồng hành cùng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương để xây dựng hoàn thiện các giải pháp chính phủ điện tử theo chỉ đạo của Thủ tướng. “VNPT sẵn sàng chung tay, hợp tác cùng các doanh nghiệp công nghệ trong nước và quốc tế nhằm nghiên cứu, đưa các ứng dụng tiên tiến nhất để xây dựng, hoàn thiện giải pháp chính phủ điện tử tại Việt Nam an toàn, hiệu quả. Mục đích là để đưa Việt Nam trở thành nước phát triển hùng cường dựa trên việc ứng dụng các công nghệ hiện đại” - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT khẳng định.
Vì vậy, những năm gần đây, VNPT đã chuyển dịch mạnh mẽ sang nhà cung cấp dịch vụ số với nhiều bộ sản phẩm, giải pháp, dịch vụ cốt lõi ở nhóm khách hàng chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp. Cụ thể, hết năm 2018, bộ sản phẩm chính phủ điện tử của VNPT đã hiện diện tại 51 tỉnh, thành phố: Phát triển thành công giải pháp Trục liên thông văn bản quốc gia, sử dụng công nghệ X-Road; phần mềm VNPT-iOffice tăng thêm 74% số cơ quan cấp tỉnh, 67% cơ quan cấp huyện và 20% cơ quan cấp xã sử dụng; phần mềm i-Gate có 68% cơ quan cấp tỉnh, 43% cơ quan cấp huyện, 87% cơ quan cấp xã sử dụng.
Ở lĩnh vực giáo dục thông minh, giải pháp VnEdu đã có 12.000 trường học sử dụng, cung cấp 3,3 triệu sổ liên lạc điện tử với gần 6 triệu hồ sơ học sinh cùng hơn 650.000 giáo viên sử dụng trên cả nước. 20 tỉnh, thành phố đã tham gia khảo sát, xây dựng đề án đô thị thông minh. Giải pháp du lịch thông minh đã triển khai gần 30 tỉnh, thành phố...
Năm 2019, Tập đoàn VNPT tiếp tục đẩy nhanh việc triển khai các công nghệ 4.0 cốt lõi. Theo đó, VNPT sẽ cung cấp ra thị trường dịch vụ nền tảng tương tác số dựa trên công nghệ thực tại ảo, thực tại tăng cường (AVR). VNPT sẽ tập trung xây dựng và phát triển hệ sinh thái số thông minh dựa trên các công nghệ cốt lõi như AI, BigData, BlockChain, Cloud, Cyber Security. Bên cạnh đó, VNPT sẽ tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu phát triển, hoàn thiện hệ sinh thái sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và hướng tới mục tiêu trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu Việt Nam vào năm 2025, đồng thời là trung tâm giao dịch số của châu Á vào năm 2030.
(Theo báo Hà Nội mới)
Tin mới hơn
- Ưu đãi 10.000đ thanh toán học phí qua VNPT Money
- VNPT ký Thỏa thuận hợp tác về VT-CNTT với Học viện Hành chính Quốc gia giai đoạn 2024 – 2027
- VNPT UNI - Giải pháp toàn diện quản lý đại học số
- VNPT cung cấp giải pháp gỡ khó toàn diện trong quản lý đất đai
- VinaPhone đổi mới các nhánh phục vụ tại Tổng đài CSKH 18001091