Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024

Hệ lụy từ SIM rác

06-29-2015 09:13:06 GMT+7
|

Sau ba năm thực hiện Thông tư số 04 về quản lý thuê bao di động trả trước của Bộ Thông tin và Truyền thông, tình trạng kinh doanh, sử dụng SIM rác vẫn diễn ra phổ biến, công khai, gây nhiều hệ lụy cho xã hội và bức xúc trong dư luận.

 
Một cửa hàng bán SIM, thẻ điện thoại ở Hà Nội.
 
 
Một cửa hàng bán SIM, thẻ điện thoại ở Hà Nội.
 

Tràn lan SIM rác

Không cần xuất trình chứng minh nhân dân, không cần đăng ký thông tin thuê bao, chỉ cần bỏ ra vài chục nghìn đồng, người mua sẽ được sử dụng ngay một chiếc SIM điện thoại di động trả trước đã có sẵn tiền trong tài khoản (gọi là SIM rác). Thực tế này đang diễn ra một cách phổ biến, công khai ở khắp mọi nơi, bất chấp quy định cấm tại Thông tư số 04/2012, ngày 13-4-2012 về quản lý thuê bao di động trả trước (gọi tắt là Thông tư số 04) và Thông tư số 14/2012, ngày 12-10-2012 quy định giá cước dịch vụ thông tin di động mặt đất (gọi tắt là Thông tư số 14) của Bộ Thông tin và Truyền thông. Tại Điều 5 Thông tư số 04 quy định: Nghiêm cấm hành vi kích hoạt dịch vụ di động trả trước cho thuê bao khi chính chủ thuê bao vẫn chưa thực hiện việc đăng ký thông tin thuê bao theo quy định; nghiêm cấm hành vi mua bán, lưu thông trên thị trường SIM đã được kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước khi chưa đăng ký thông tin thuê bao. Thông tư số 04 còn quy định rõ việc đăng ký thông tin thuê bao cần: đăng ký trực tiếp tại điểm đăng ký thông tin thuê bao; xuất trình chứng minh nhân dân (hoặc hộ chiếu); điền thông tin đăng ký vào "Bản khai thông tin thuê bao di động trả trước"...; mỗi cá nhân chỉ được đăng ký tối đa ba số thuê bao di động trả trước của mỗi mạng thông tin di động. Còn theo quy định tại Thông tư số 14 thì doanh nghiệp thông tin di động không được nạp sẵn tiền vào tài khoản đối với tất cả SIM thuê bao đang lưu thông trên thị trường hoặc chưa hòa mạng. Quy định là thế, nhưng hiện nay, ở hầu hết các cửa hàng, đại lý, điểm bán SIM, thẻ điện thoại di động trên cả nước đều có bán SIM đã kích hoạt và đăng ký thông tin thuê bao, với số tiền khuyến mãi rất hấp dẫn. Tại Hà Nội, các điểm bán SIM rác tập trung nhiều trên các tuyến phố: Kim Mã, Bà Triệu, Trương Định, Trường Chinh, Đường Láng, Cầu Giấy, Hoàng Quốc Việt... và trước cổng các trường đại học, cao đẳng.

Sáng 23-6-2015, tôi ghé vào một cửa hàng bán SIM, thẻ trên phố Quỳnh Lôi, phường Quỳnh Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) hỏi mua SIM điện thoại. Chủ cửa hàng cho biết: SIM Viettel 11 số có tài khoản khuyến mãi 100 nghìn đồng, giá bán là 40 nghìn đồng; SIM VinaPhone 10 số, tài khoản khuyến mãi 45 nghìn đồng, giá bán 50 nghìn đồng. Chỉ cần lắp SIM vào máy là sử dụng được luôn vì SIM đã kích hoạt và đăng ký thông tin thuê bao. Nếu so sánh với việc mua thẻ cào để nạp thì việc sử dụng SIM rác là quá rẻ và tiện lợi.

Tôi chọn mua một SIM của Viettel, số thuê bao là: 01663.693.069, ngày kích hoạt: 16-6-2015. Khi nhắn tin tới tổng đài 1414 để kiểm tra thông tin thuê bao thì nhận được kết quả: Thông tin đăng ký của thuê bao 01663.693.069, họ tên: Le Ngoc Nguyen, ngày sinh: 6-4-1988, số CMND/Hộ chiếu: 154748186, nơi cấp: Thái Bình. Chủ cửa hàng giải thích: "Đây chỉ là thông tin thuê bao ảo, nếu muốn đăng ký thuê bao chính chủ, chị phải mất thêm 30 nghìn nữa, còn không đăng ký vẫn dùng được". Tôi điện thoại tới tổng đài chăm sóc khách hàng của Viettel (1900.8198) đề nghị hướng dẫn thay đổi thông tin thuê bao. Nhân viên tổng đài cho biết thuê bao phải có từ ba đến 10 số điện thoại thường xuyên gọi đi và nhắn tin mới được thay đổi thông tin đã đăng ký. Như vậy, tổng đài Viettel cũng quen thuộc với việc SIM trả trước của nhà mạng đã được kích hoạt và đăng ký thông tin thuê bao trước khi bán cho khách hàng.

Nhiều hệ lụy

Cuối tháng 4-2015, tôi bị một đối tượng sử dụng điện thoại di động nhắn tin, gọi điện đe dọa trả thù vì đã viết bài phản ánh tiêu cực tại một trung tâm nhân đạo ở Hà Nội. Sau khi nhận đơn trình báo, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội đã vào cuộc điều tra, xác minh đối tượng. Do đối tượng sử dụng SIM rác để nhắn tin, điện thoại cho tôi rồi vứt bỏ, cho nên quá trình xác minh gặp nhiều khó khăn. Lần theo số điện thoại đã nhắn tin, gọi điện cho tôi thì tên đăng ký thuê bao là một công ty trách nhiệm hữu hạn có địa chỉ ở quận Hà Đông (Hà Nội). Công việc điều tra gần như rơi vào bế tắc khi kết quả xác minh cho thấy công ty này còn đứng tên đăng ký thuê bao hơn tám nghìn SIM điện thoại. Phải mất gần một tháng sau và bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội mới xác minh được đối tượng nhắn tin, điện thoại đe dọa tôi. Hằng tháng, các cơ quan chức năng vẫn thường xuyên nhận được khiếu nại, phản ánh liên quan đến việc điện thoại, nhắn tin lừa đảo, tống tiền, đe dọa, xúc phạm danh dự. Những trường hợp bị quấy nhiễu, bao gồm: từ lãnh đạo cơ quan, đơn vị nhà nước, giám đốc doanh nghiệp, người nổi tiếng, đến người dân. Hầu hết các đối tượng xấu đều sử dụng SIM rác để gọi điện thoại hay nhắn tin nhằm che giấu hành vi của mình. Vào mỗi kỳ đại hội hoặc bầu cử, tình trạng sử dụng SIM rác để nói xấu, bôi nhọ danh dự những người trong danh sách bầu cử cũng thường gia tăng, gây tình hình bất ổn tại địa phương, đơn vị. Song, việc xác minh, xử lý của cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn do đối tượng thường sử dụng một lần rồi vứt bỏ SIM, thông tin đăng ký thuê bao lại không phải của người sử dụng, thậm chí không có thực. Trung bình cứ 10 vụ dùng SIM rác với dụng ý xấu mới tìm ra được thủ phạm của một vụ.

Cũng trong thời gian qua, ở nhiều vụ trọng án, nhất là các vụ án liên quan ma túy, lừa đảo, trộm cắp cước viễn thông quốc tế, tội phạm thường sử dụng SIM rác để che giấu hành vi phạm tội. Trong quá trình phá án, bắt giữ, khám xét đối tượng phạm tội, lực lượng công an đã thu được rất nhiều SIM rác. Việc dễ dàng mua, bán, sử dụng SIM rác là một trong những nguyên nhân chính của tình trạng tràn lan tin nhắn rác, quảng cáo rác và tin độc hại khiến cho hàng triệu người sử dụng điện thoại di động đang bị phiền nhiễu mỗi ngày. Theo kết quả điều tra của Công ty An ninh mạng Bkav, năm 2014, có đến 90% người dùng điện thoại di động thường xuyên bị tin nhắn rác làm phiền (tăng gần gấp đôi năm 2013), trong đó 43% là nạn nhân của tin rác hằng ngày. Ước tính số tiền thiệt hại do mã độc gửi tin nhắn đến đầu số thu phí lên tới 3,9 tỷ đồng/ngày, trong đó một phần do tin nhắn rác lừa người dùng gửi tin nhắn tới đầu số có thu phí.

Buông lỏng quản lý

Mặc dù Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành nhiều văn bản quy định nhằm ngăn chặn tình trạng mua, bán, sử dụng SIM không chính chủ, đã kích hoạt và nạp sẵn tiền trong tài khoản nhưng công tác quản lý thuê bao di động trả trước vẫn tiếp tục bị buông lỏng.

Do buông lỏng việc quản lý thuê bao di động trả trước của các nhà mạng cho nên mới xảy ra tình trạng vi phạm như: Thông tin thuê bao không có ảnh CMND, hoặc phần ảnh trên CMND là ảnh phong cảnh, ảnh diễn viên nghe điện thoại, ảnh em bé; tên đăng ký thuê bao không có nghĩa như: AADS, Khong Chinh Chu, A B C, asd, jjj... nhưng vẫn được kích hoạt. Nhiều thuê bao trùng lặp thông tin về họ tên, ngày sinh, ngày cấp CMND, ngày kích hoạt, nhưng khác số CMND; Nhà mạng nạp sẵn tiền vào tài khoản SIM chưa đăng ký thông tin, hoặc các thuê bao đã đăng ký thông tin nhưng sau 72 giờ không kích hoạt sử dụng vẫn không bị hủy; nhiều cá nhân lợi dụng danh nghĩa là tổ chức, doanh nghiệp để đứng tên sở hữu hàng chục nghìn thuê bao.

Qua công tác nắm tình hình, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50) Công an Hà Nội cho biết, hầu hết các đại lý kinh doanh SIM thẻ trên địa bàn Hà Nội đều có bán SIM đã kích hoạt và đăng ký thông tin thuê bao. Tuy nhiên, thông tin đăng ký chủ thuê bao của các SIM này không có thật (thuê bao ảo), hoặc không phải là của người sử dụng.

Năm 2014, Phòng PC50 Công an Hà Nội đã phối hợp Thanh tra Sở Thông Tin và Truyền thông Hà Nội kiểm tra, xử lý nhiều cửa hàng kinh doanh SIM rác, thu giữ hàng nghìn SIM trả trước và các thiết bị có chức năng kích hoạt SIM không cần bẻ SIM. Đơn cử, trong hai ngày 17-4 và 8-5-2015, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra năm cửa hàng kinh doanh SIM thẻ, đó là: đại lý SIM thẻ số 90 Kim Mã, Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ viễn thông Phương Minh (số 182 Kim Mã), đại lý SIM thẻ số 208 Kim Mã, đại lý SIM thẻ số 688b Đường Láng, đại lý SIM thẻ số 918a Đường Láng, tạm giữ 2.337 SIM trả trước đã kích hoạt và đăng ký thông tin thuê bao, 27 thiết bị có chức năng kích hoạt SIM không cần bẻ SIM, giá trị tang vật thu giữ khoảng 109 triệu đồng.

Để giải quyết vấn nạn SIM rác hiện nay, các nhà mạng di động cần thực hiện nghiêm các quy định tại Thông tư số 04 và Thông tư số 14, quản lý chặt choe thông tin đăng ký thuê bao, chỉ cho phép các phòng giao dịch, chăm sóc khách hàng của nhà mạng mới có quyền thực hiện đăng ký thông tin thuê bao di động, không khuyến mãi trên những SIM mới kích hoạt, chưa sử dụng, có hình thức xử lý nghiêm các đại lý vi phạm quy định. Bên cạnh đó, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của lực lượng quản lý thị trường, công an, tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện hành vi vận chuyển, tập kết, thu gom, tàng trữ, phân phối SIM thuê bao trả trước đã được đăng ký thông tin thuê bao ảo, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

 
 
 

Tổng lượt truy cập :

Lượt xem :